Kẽm (Zinc) giúp chống lại sự nhiễm trùng, nhưng nhiều người bị thiếu hụt khoáng chất quan trọng này
Khi bước vào cửa hàng thuốc tây, bạn sẽ thấy nhiều loại thực phẩm chức năng bổ sung kẽm. Rõ ràng, mọi người đã lo lắng rằng họ đang không nhận đủ kẽm, một dưỡng chất thường được quảng cáo về khả năng ngăn ngừa cảm lạnh thông thường và các bệnh hô hấp khác. Nhưng nhiều người trong chúng ta có thật sự cần bổ sung kẽm không? Và nếu vậy, nó có lợi ích gì?
Lothar Rink, nhà miễn dịch học tại Đại học RWTH Aachen ở Đức, và là đồng tác giả bài viết tổng quan về vai trò của kẽm đối với hệ miễn dịch trong Annual Review of Nutrition năm 2021 cho biết “Chúng tôi nghĩ rằng kẽm là một người gác cổng của chức năng miễn dịch”.
Một khoáng chất cần thiết
Quá ít kẽm rõ ràng là một tin xấu cho sức khỏe của bạn. Sự thiếu hụt kẽm nghiêm trọng – thường là kết quả của khiếm khuyết di truyền hoặc chế độ ăn uống hạn chế - có thể gây ra vô số vấn đề, chẳng hạn như trẻ sơ sinh và trẻ em còi cọc chậm phát triển, rụng tóc, da sần sùi, chậm lành vết thương và suy yếu khả năng phòng vệ chống lại các bệnh nhiễm trùng.
Để xác định chính xác nồng độ kẽm ở người là rất khó. Nồng độ kẽm cũng có thể bị xáo trộn bởi chế độ ăn uống, một số loại thuốc và nội tiết tố và tình trạng sức khỏe.
Mặc dù có thể phát hiện nồng độ kẽm trong máu nhưng các phép đo này thường không chính xác.
Daren Knoell , nhà sinh vật học về kẽm tại Đại học Nebraska cho biết. “Không có cách nào chính xác 100% để đo lường kẽm có trong cơ thể con người, đặc biệt nếu họ mắc một chứng bệnh nào đó. Hiện tại cách tốt nhất để xác định khả năng thiếu hụt kẽm là xem xét chế độ ăn của một người nào đó”.
Do những hạn chế này, phần đông các bác sĩ chỉ chuẩn đoán thiếu kẽm khi bệnh nhân có các triệu chứng như da thô ráp hoặc rụng tóc.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người thiếu kẽm dễ bị nhiễm trùng hơn và việc bổ sung kẽm giúp giảm tần suất nhiễm trùng.
Để xác định rõ hơn những người đang thiếu hụt kẽm, các nhà nghiên cứu sử dụng một ứng dụng để theo dõi chặt chẽ chế độ ăn và sử dụng chất bổ sung của người tham gia.
Từ các dữ liệu sẵn có cho đến nay, dường như tình trạng thiếu kẽm là tương đối phổ biến. Một số nghiên cứu ước tính rằng khoảng 17% dân số thế giới có nguy cơ thiếu kẽm, ở những người có thu nhập thấp và trung bình chẳng hạn như khu vực Nam Á tỉ lệ đó lên đến 30%.
Lão hóa, di truyền, phụ nữ mang thai, bệnh tật và những yếu tố khác đều góp phần vào sự thiếu hụt này. Chế độ ăn là thủ phạm chính, khi mọi người không ăn đủ thực phẩm giàu kẽm như hải sản, thịt đỏ và các loại hạt. Ăn quá nhiều phytate, chất này được tìm thấy trong bánh mì làm ngũ cốc nguyên hạt, ngũ cốc và các nguồn khác, cũng có thể là một vấn đề. Các Phytate liên kết với kẽm và ngăn không cho kẽm hấp thụ vào cơ thể.
Kẽm giúp gì cho cơ thể?
Những nghiên cứu cho thấy rằng nguyên tố kẽm rất quan trọng trong hầu hết các khía cạnh của hệ miễn dịch. Nó giúp các tế bào da và tế bào lót bên trong các cơ quan của chúng ta ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập, đồng thời giữ cho tuyến ức và tủy xương, những nơi có trách nhiệm tạo ra các tế bào miễn dịch, hoạt động bình thường. Sophie Hambleton, nhà miễn dịch học tại đại học Newcastle ở Vương Quốc Anh cho biết “Kẽm xuất hiện trong tất cả các bộ phận của hệ thống miễn dịch, và người thiếu kẽm có nhiều biểu hiện rối loạn chức năng miễn dịch”.
Hầu hết các nghiên cứu cho đến nay đều tập trung vào vai trò của kẽm trong hệ thống miễn dịch bẩm sinh, cơ quan bảo vệ tuyến đầu của cơ thể chiến đấu chống lại những kẻ xâm lược bên ngoài cơ thể. Kẽm dường như có liên quan đến việc tạo ra các rào cản chống lại sự xâm nhập tốt hơn, cũng như đảm bảo hoạt động bình thường của các đại thực bào, các tế bào bạch cầu quan trọng tiêu diệt mầm bệnh và gửi các tín hiệu hóa học để cho các tế bào khác.
Nhiều nghiên cứu gần đây đã tiết lộ rằng kẽm cũng rất quan trọng đối với hệ thống miễn dịch thích ứng, hệ thống này sử dụng ký ức về các mối đe dọa trước đó để tấn công mầm bệnh thông qua các kháng thể và tế bào T.
Chúng ta cần bao nhiêm kẽm?
Bổ sung kẽm có lẽ là một ý kiến hay, đặc biệt là đối với những người có nguy cơ bị thiếu hụt cao, chẳng hạn như người ăn chay, thuần chay và những người lớn tuổi.
Phần lớn các chất bổ sung dinh dưỡng đều an toàn và không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào với liều lượng khuyến nghị hàng ngày, tương ứng là 8 miligram cho phụ nữ và 11 miligram cho nam giới.
Rink cũng cảnh báo rằng ở nồng độ rất cao kẽm có thể có tác dụng phụ. Năm 2009, cơ quan FDA Hoa Kỳ đã cảnh báo chống lại việc sử dụng Zicam, một loại thuốc chữa cảm lạnh thông thường có chứa hàm lượng kẽm cao đến mức dẫn đến mất khứu giác. Các chuyên gia khuyến cáo người lớn không nên tiêu thụ quá 40 miligram kẽm mỗi ngày.
Mặc dù các thử nghiệm lâm sàng ở người rất ít, nhưng đã có một số ít đã kiểm tra tác dụng của việc bổ sung kẽm khi nhiễm virus.
Một đánh giá năm 2021 của hai mươi thử nghiệm lâm sàng chỉ ra rằng ở những người khỏe mạnh, bổ sung kẽm dưới dạng viên ngậm hoặc thuốc xịt mũi khi mới phát hiện bệnh có thể làm giảm thời gian bị cảm lạnh thông thường và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác trong vài ngày. Nghiên cứu này cũng xem xét việc bổ sung kẽm liên tục trong một thời gian dài, trong 7 – 12 tháng có thể giúp ngăn ngừa tác động của nhiễm trùng đường hô hấp, mặc dù nó có vẻ không phòng ngừa được cảm lạnh thông thường.
Các nhà khoa học cũng muốn biết liệu một số người có phải do di truyền mà khó hấp thụ kẽm hơn những người khác hay không và các loại thuốc khả thi có thể nhắm vào các chất vận chuyển kẽm ở những người có vấn đề với các protein đó.
Theo Knowable Magazine