Các nghiên cứu cho thấy xét nghiệm nước bọt có thể phát hiện virus Corona
Hai nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng các xét nghiệm tìm virus trong mẫu nước bọt có độ tin cậy ngang với các xét nghiệm mà lấy mẫu từ mũi.
Đó chắc chắn sẽ là một bước phát triển đáng hoan nghênh đối với bất kỳ ai muốn tránh cảm giác khó chịu khi cắm một miếng gạc dài và cứng trong khoang mũi của họ.
Nhưng đó không phải là lợi ích duy nhất. Khá nhiều người có thể thực hiện xét nghiệm nước bọt, vì vậy không cần phải đến các trung tâm xét nghiệm. Nó cũng tiết kiệm thời gian của nhân viên y tế và tránh cho họ khả năng tiếp xúc với virus.
Trong một nghiên cứu mới, nhóm nghiên cứu từ Yale đã xác định được 70 bệnh nhân mắc Covid-19 tại bệnh viện, những người đã được xác nhận nhiễm bệnh bằng xét nghiệm dịch mũi họng thông qua miếng gạc truyền thống. Mỗi lần nhân viên y tế thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm, các nhà nghiên cứu cũng yêu cầu bệnh nhân tự xét nghiệm nước bọt.
Các nhà nghiên cứu thấy rằng các xét nghiệm nước bọt đã phát hiện virus SARS-CoV-2. Trong 5 ngày đầu tiên sau khi chẩn đoán, 81% xét nghiệm nước bọt cho kết quả dương tính, so với 71% xét nghiệm mũi họng. Kết quả vẫn tương tự vẫn cho đến ngày thứ 10 sau khi chẩn đoán.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu đã phát hiện nhiều bản sao vật liệu di truyền của virus trong nước bọt của bệnh nhân hơn so với các mẫu lấy từ khoang mũi.
Để đo lường kết quả giữa những người bị nhiễm không triệu chứng, các nhà nghiên cứu đã tuyển mộ 495 nhân viên y tế không có dấu hiệu của Covid-19 và cho họ xét nghiệm nước bọt. 13 trong số các xét nghiệm cho kết quả dương tính.
Trong số 13 người đó, 9 người đã tự lấy tăm bông ngoáy mũi vào cùng ngày, và chỉ 2 trong số đó cho kết quả dương tính. Tuy nhiên, tất cả 13 lần xét nghiệm nước bọt sau đó đều được xác nhận bằng các xét nghiệm mũi họng bổ sung.
Kết quả đã được báo cáo trên Tạp chí Y học New England.
Nhóm nghiên cứu của Yale viết: “Do nhu cầu xét nghiệm ngày càng tăng, những phát hiện của chúng tôi hỗ trợ thêm cho việc xét nghiệm mẫu nước bọt trong việc chẩn đoán sự lây nhiễm của SARS-CoV-2”.
Trong nghiên cứu thứ hai, các nhà nghiên cứu từ Canada đã tuyển mộ gần 2.000 người có các triệu chứng nhẹ phù hợp với Covid-19 hoặc những người không có triệu chứng nhưng có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Các tác giả viết rằng nghiên cứu nhằm mô phỏng các điều kiện sàng lọc hàng loạt.
Những người tham gia lấy mẫu bệnh phẩm bằng cách ngoáy mũi và mẫu nước bọt. Trong số 1.939 cặp xét nghiệm, 34 cặp cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Cũng có 14 trường hợp virus được phát hiện trong mẫu nước bọt nhưng mẫu xét nghiệm ở mũi thì, và 22 trường hợp ngược lại.
Những kết quả này đã được công bố trên tạp chí Annals of Internal Medicine.
Nhóm nghiên cứu từ Đại học Ottawa, Đại học Dalhousie và Phòng thí nghiệm vi sinh quốc gia của Canada cho biết, mặc dù xét nghiệm bệnh phẩm từ việc ngoáy mũi phát hiện nhiều ca nhiễm hơn xét nghiệm nước bọt, nhưng xét nghiệm nước bọt đủ tốt để được coi là công cụ sàng lọc.
Các nhà nghiên cứu viết: “Xét nghiệm nước bọt mang lại những lợi thế tiềm năng. Việc lấy mẫu không yêu cầu nhân viên phải được đào tạo hoặc trang bị bảo hộ cá nhân, có thể được thực hiện bên ngoài các trung tâm xét nghiệm và có thể được thực hiện dễ dàng hơn với trẻ em.”
Xét nghiệm nước bọt giúp nhân viên y tế không cần tiếp xúc với những người có thể bị nhiễm bệnh, giảm nguy cơ lây truyền. Việc có thể tiến hành xét nghiệm mà không có nhân viên y tế hỗ trợ cũng loại bỏ “nút thắt lớn về xét nghiệm”.
Tiến sĩ Stephen Hahn, ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, cũng lưu ý rằng xét nghiệm nước bọt có thể cho phép tiến hành sàng lọc ngay cả khi thiếu thuốc thử hóa học cần thiết cho xét nghiệm bằng cách ngoáy mũi.
Ít nhất 5 xét nghiệm nước bọt đã nhận được giấy phép sử dụng khẩn cấp từ FDA, trong đó có một xét nghiệm được phát triển tại Yale.
Theo SCMP