Chế độ ăn ít thịt và không thịt có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc ung thư
Ăn thịt từ 5 lần trở xuống mỗi tuần có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư tổng thể, theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí BMC Medicine.
Cody Watling và các đồng nghiệp từ Đại học Oxford, Vương quốc Anh đã điều tra mối quan hệ giữa chế độ ăn uống và nguy cơ ung thư bằng cách phân tích dữ liệu thu thập từ 472.377 người trưởng thành tại Anh, theo cơ sở dự liệu của UK Biobank từ năm 2006 đến năm 2010.
Những người tham gia, ở độ tuổi từ 40 đến 70, sẽ báo cáo tần suất họ ăn thịt và cá. Và các nhà nghiên cứu đã tính toán tỷ lệ mắc các bệnh ung thư mới phát triển trong khoảng thời gian trung bình là 11 năm bằng cách sử dụng hồ sơ sức khỏe.
Các nhà nghiên cứu đã tính đến tình trạng bệnh tiểu đường, các yếu tố xã hội học, kinh tế và lối sống trong các phân tích của họ. Theo đó:
- 247.571 (52%) người tham gia ăn thịt nhiều hơn 5 lần mỗi tuần
- 205.382 (44%) người tham gia ăn thịt từ 5 lần trở xuống mỗi tuần
- 10.696 (2%) ăn cá nhưng không ăn thịt và 8.685 (2%) là ăn chay
- Có 54.961 người tham gia (12%) phát triển ung thư trong thời gian nghiên cứu.
Họ phát hiện ra rằng nguy cơ ung thư tổng thể thấp hơn 2% ở những người ăn thịt từ 5 lần trở xuống mỗi tuần, thấp hơn 10% ở những người ăn cá nhưng không ăn thịt, và thấp hơn 14% ở những người ăn chay so với những người ăn thịt hơn 5 lần mỗi tuần.
Khi so sánh tỷ lệ mắc các bệnh ung thư cụ thể với chế độ ăn uống của những người tham gia, các tác giả nhận thấy rằng những người ăn thịt từ 5 lần trở xuống mỗi tuần có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng thấp hơn 9% so với những người ăn thịt nhiều hơn 5 lần mỗi tuần.
Họ cũng phát hiện ra rằng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt thấp hơn 20% ở những người đàn ông ăn cá nhưng không ăn thịt và thấp hơn 31% ở những người đàn ông theo chế độ ăn chay.
Phụ nữ sau mãn kinh theo chế độ ăn chay có nguy cơ mắc ung thư vú thấp hơn 18% so với những người ăn thịt hơn 5 lần mỗi tuần. Tuy nhiên, các phát hiện cho thấy điều này là do phụ nữ ăn chay có xu hướng có chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp hơn so với phụ nữ ăn thịt.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng bản chất quan sát của nghiên cứu của họ không cho phép đưa ra kết luận về mối quan hệ nhân quả giữa chế độ ăn uống và nguy cơ ung thư.
Ngoài ra, vì dữ liệu về chế độ ăn uống của UK Biobank được thu thập tại một thời điểm duy nhất, thay vì trong một khoảng thời gian liên tục, nó có thể không đại diện cho chế độ ăn uống suốt đời của những người tham gia.
Các tác giả gợi ý rằng nghiên cứu trong tương lai có thể điều tra mối liên hệ giữa chế độ ăn ít thịt hoặc không thịt với nguy cơ mắc bệnh ung thư của từng cá nhân ở những quần thể lớn hơn và thời gian theo dõi dài hơn.
Theo ScienceDaily