Hơn 30 triệu ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới trong khi WHO cảnh báo về sự lây lan đáng báo động ở châu Âu

Hơn 30 triệu ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới trong khi WHO cảnh báo về sự lây lan đáng báo động ở châu Âu
Friday,
18/09/2020
Đăng bởi: neohealth

Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo không nên rút ngắn thời gian cách ly khi các nơi đang đối mặt với đợt bùng phát Covid-19 trong tháng 9

Các chính phủ đang chiến đấu để ngăn chặn sự gia tăng của các ca mắc mới, đồng thời muốn tránh gây ra thiệt hại cho nền kinh tế của họ

 

Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo về “tỷ lệ lây lan đáng báo động” trên toàn cầu do virus Corona với số ca mắc đã lên đến 30 triệu và cũng cảnh báo về việc rút ngắn thời gian cách ly.

Giám đốc WHO tại Châu Âu, Hans Kluge cho biết mức tăng đột biến trong tháng 9 “sẽ là lời cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta” sau khi Châu Âu lập kỷ lục mới vào tuần trước, với khoảng 54.000 trường hợp được ghi nhận trong 24 giờ.

Ông nói trong một cuộc họp báo trực tuyến từ Copenhagen: “Mặc dù những con số này phản ánh sự xét nghiệm toàn diện hơn, nhưng nó cũng cho thấy tốc độ lây truyền đáng báo động trong toàn khu vực”.

Hơn 30 triệu ca nhiễm đã được ghi nhận với hơn 940.000 người đã chết kể từ khi loại virus Corona mới xuất hiện ở Trung Quốc vào cuối năm ngoái, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins. Châu Âu hiện có 4,7 triệu ca nhiễm.

Trên khắp châu Âu, các chính phủ đang chiến đấu để ngăn chặn sự gia tăng đột biến các ca mắc mới, đồng thời muốn tránh gây ra thiệt hại cho nền kinh tế của họ và áp đặt các biện pháp hạn chế mới.

Tại Anh các biện pháp mới sẽ có hiệu lực vào thứ Sáu này, với việc Thủ tướng Boris Johnson cảnh báo rằng các quán rượu có thể phải đóng cửa sớm hơn.

Trong khi đó, thành phố Madrid đã trì hoãn kế hoạch ngăn chặn có mục tiêu, thay vào đó họ sẽ chuyển sang “giảm khả năng di chuyển và liên lạc” ở những khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao.

Áo thông báo rằng các cuộc tụ tập riêng tư trong nhà sẽ được giới hạn ở 10 người. Thủ tướng Sebastian Kurz đã cảnh báo hồi đầu tuần rằng quốc gia này đang bước vào làn sóng thứ hai.

Bên ngoài châu Âu, Israel được coi là quốc gia phát triển đầu tiên thực hiện việc đóng cửa trên toàn quốc lần thứ hai, bắt đầu vào chiều thứ Sáu.

WHO tại Châu Âu cho biết họ sẽ không thay đổi hướng dẫn về thời gian cách ly 14 ngày đối với những người từng tiếp xúc với virus.

Pháp đã giảm thời gian tự cách ly được khuyến nghị xuống còn 7 ngày, trong khi ở Anh và Ireland là 10 ngày. Một số quốc gia châu Âu khác chẳng hạn như Bồ Đào Nha và Croatia cũng đang xem xét rút ngắn thời gian cách ly.

Một hiệp hội các nạn nhân Covid-19 tại Pháp có kế hoạch nộp đơn khiếu nại pháp lý chống lại Thủ tướng Jean Castex về cách quốc gia này xử lý đại dịch.

Tuy nhiên ở Trung Quốc, những thân nhân của người đã mất vì Covid-19 đã bị bác đơn kiện đột ngột trong khi hàng chục người khác phải đối mặt với áp lực từ chính quyền để không nộp đơn, theo những người tham gia cho biết.

Các gia đình này cáo buộc chính quyền tỉnh Vũ Hán và Hồ Bắc đã che giấu dịch bệnh khi nó bùng phát lần đầu tiên vào cuối năm ngoái, không thông báo cho công chúng và không có phản ứng kịp thời.

 

Theo SCMP

Tin tức khác:

Viết bình luận:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: