Lợi ích của tập thể dục đối với các bệnh mãn tính
Có bằng chứng rõ ràng về việc tập thể dục nhịp điệu, rèn luyện sức mạnh và tập thể dục trị liệu theo tình trạng cụ thể sẽ ảnh hưởng tích cực đến các chức năng của bệnh nhân mắc bệnh mãn tính.
Điều này được tiết lộ trong một phân tích dữ liệu nghiên cứu được công bố bởi Đại học Jyväskylä, Phần Lan. Đánh giá tác động của tập thể dục đối với hơn 20 bệnh mãn tính phổ biến nhất như viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp, bệnh mạch vành, suy tim, tiểu đường tuýp 2, các loại ung thư khác nhau và bệnh Alzheimer.
Với việc xem xét có hệ thống, các chuyên gia y tế hiện có được cái nhìn tổng thể về tác động của liệu pháp tập thể dục đối với các bệnh mãn tính. Trước đây, điều này đòi hỏi các chuyên gia phải xem xét và trích xuất thông tin từ hàng nghìn bài báo khoa học. Chỉ dữ liệu dựa trên các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng mới được chấp nhận vào phân tích, đảm bảo chất lượng khoa học cao của các nghiên cứu và độ tin cậy tối đa của kết quả.
Trong bài đánh giá này, tập thể dục được phát hiện có tác động tích cực đến khoảng 85% các chỉ số hoạt động thể chất và chức năng được nghiên cứu, chẳng hạn như bài kiểm tra đi bộ trong 6 phút, sức mạnh tối đa cơ dưới, bài kiểm tra thăng bằng Berg và đánh giá khả năng bệnh nhân thực hiện các chức năng hàng ngày.
Khoảng 20% các chỉ số được chứng minh là có ảnh hưởng lớn đến khả năng hoạt động của bệnh nhân trong khi các chỉ số còn lại có ảnh hưởng từ trung bình đến nhỏ.
Các kết quả đều tương tự nhau cho dù các phép đo hoạt động khách quan hay các đánh giá chủ quan của bệnh nhân được sử dụng làm chỉ số đánh giá năng lực chức năng.
Nhà vật lý trị liệu Tero Pasanen cho biết: “Chúng tôi hy vọng rằng bài báo này sẽ nhắc nhở các chuyên gia y tế điều chỉnh việc tập luyện phù hợp thậm chí tích cực hơn cho những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, khi tập thể dục không phải để điều trị bệnh mà để ngăn ngừa tàn tật thứ phát do bệnh gây ra.”
Kết quả nghiên cứu sẽ được công bố trên Tạp chí Y học thể thao quốc tế của Anh.
Theo Science Daily