Thực phẩm siêu chế biến có liên quan đến nguy cơ cao mắc bệnh viêm ruộc (IBD)
Ăn nhiều thực phẩm siêu chế biến có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh viêm ruột (IBD) cao hơn, theo một nghiên cứu được xuất bản bởi The BMJ.
Thực phẩm siêu chế biến bao gồm bánh nướng và đồ ăn nhẹ đóng gói, đồ uống có ga, ngũ cốc có đường, đồ ăn sẵn có chứa phụ gia thực phẩm, …. Chúng thường chứa nhiều đường, chất béo và muối bổ sung, nhưng thiếu vitamin và chất xơ.
Bệnh viêm ruột (IBD) phổ biến nhiều hơn ở các nước công nghiệp phát triển và người ta cho rằng các yếu tố chế độ ăn uống có thể đóng một vai trò nào đó, nhưng dữ liệu liên kết giữa lượng thực phẩm siêu chế biến với IBD còn hạn chế.
Để khám phá thêm điều này, một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã thu thập thông tin chi tiết về chế độ ăn uống của 116.087 người trưởng thành từ 35-70 tuổi sống ở 21 quốc gia có thu nhập thấp, trung bình và cao, đang tham gia nghiên cứu Prospective Urban Rural Epidemiology (PURE).
PURE đang kiểm tra tác động của ảnh hưởng xã hội đối với các bệnh mãn tính ở các quốc gia khác nhau trên thế giới.
Những người này đã tham gia vào nghiên cứu từ năm 2003 đến năm 2016 và được đánh giá ít nhất ba năm một lần. Trong thời gian theo dõi trung bình 9,7 năm, các chẩn đoán mới về IBD bao gồm bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng, đã được ghi nhận.
Trong thời gian này, 467 người tham gia đã phát triển IBD (90 người bị bệnh Crohn và 377 người bị viêm loét đại tràng).
Sau khi xem xét các yếu tố có khả năng ảnh hưởng khác, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng việc tiêu thụ nhiều thực phẩm siêu chế biến có liên quan đến nguy cơ mắc IBD cao hơn.
Ví dụ: so với những người tiêu thụ ít hơn 1 khẩu phần thực phẩm siêu chế biến mỗi ngày, họ nhận thấy nguy cơ mắc IBD tăng lên 82% ở những người tiêu thụ từ 5 khẩu phần trở lên mỗi ngày và tăng 67% nguy cơ đối với 1-4 khẩu phần mỗi ngày .
Ngược lại, tiêu thụ thịt trắng, thịt đỏ, sữa, tinh bột, trái cây, rau và các loại đậu (như đậu Hà Lan, đậu lăng) không liên quan đến IBD.
Đây là một nghiên cứu quan sát nên không thể thiết lập quan hệ nhân quả. Hơn nữa, kết quả dựa trên các chẩn đoán tự báo cáo và không tính đến sự thay đổi chế độ ăn uống theo thời gian. Và các nhà nghiên cứu không thể loại trừ khả năng các yếu tố không đo lường được (gây nhiễu) khác có thể đã ảnh hưởng đến kết quả của họ.
Tuy nhiên, họ nói rằng phát hiện của họ "ủng hộ giả thuyết rằng việc tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến có thể là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc IBD."
Vì thịt trắng, thịt đỏ chưa qua chế biến, sữa, tinh bột và trái cây, rau và các loại đậu không cho thấy có liên quan đến sự phát triển của IBD. Nghiên cứu này cho thấy rằng có thể không phải bản thân thực phẩm gây ra nguy cơ này mà là cách thực phẩm được chế biến hoặc siêu chế biến.
Các nhà nghiên cứu kết luận: “Cần có các nghiên cứu sâu hơn để xác định các yếu tố tiềm năng cụ thể trong số thực phẩm chế biến sẵn có thể chịu trách nhiệm cho các mối liên quan đã quan sát được trong nghiên cứu của chúng tôi”.
Theo Science Daily