Thực phẩm siêu chế biến có liên quan đến táo bón
Tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến và thực phẩm chế biến tối thiểu có liên quan đến tỷ lệ táo bón cao hơn và thấp hơn, trong khi tác động của quá trình chế biến thực phẩm không phụ thuộc vào chất lượng chế độ ăn.
Tiêu thụ quá nhiều thực phẩm siêu chế biến có liên quan đến rối loạn nhu động ruột. Sử dụng dữ liệu từ Khảo sát dinh dưỡng và sức khỏe quốc gia (2005-2010), các nhà nghiên cứu đã thực hiện một nghiên cứu cắt ngang (nghiên cứu được thực hiện tại một thời điểm hay trong khoảng một thời gian ngắn) để đánh giá mối liên hệ giữa lượng tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến, thực phẩm chế biến tối thiểu và thói quen đi đại tiện.
Họ sử dụng hai lần ghi chép chế độ ăn uống trong vòng 24 giờ để ghi lại lượng thức ăn mà người tham gia nạp vào và sau đó phân loại thực phẩm thành thực phẩm chế biến tối thiểu, thành phần thực phẩm đã qua chế biến, thực phẩm đã qua chế biến và thực phẩm siêu chế biến theo phân loại Nova (chia thực phẩm thành 4 nhóm theo mức độ chế biến).
Bảng câu hỏi về sức khỏe đường ruột được sử dụng để đánh giá thói quen đi đại tiện, trong đó táo bón và tiêu chảy được định nghĩa theo thang phân loại Bristol (trong đó, loại 1 và 2 chỉ tình trạng táo bón, loại 3 và 4 là phân bình thường, khỏe mạnh, loại 5, 6, 7 là tình trạng tiêu chảy) và tần suất đi đại tiện.
Các nhà nghiên cứu đã khảo sát 12.716 người lớn ở Hoa Kỳ, trong số đó có 1.290 và 1.067 người lần lượt bị táo bón và tiêu chảy. Việc tăng tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến có liên quan đến tỷ lệ táo bón tăng gấp đôi; mối liên quan này vẫn được duy trì sau khi điều chỉnh theo chất lượng chế độ ăn, lượng nước uống và lượng chất xơ tiêu thụ.
Ngược lại, việc tăng tiêu thụ thực phẩm chế biến tối thiểu có liên quan đến tỷ lệ táo bón giảm; mối liên quan này vẫn được duy trì sau khi điều chỉnh. Thay thế 10% thực phẩm siêu chế biến bằng tỷ lệ thực phẩm chế biến tối thiểu tương đương có thể làm giảm 10% nguy cơ táo bón. Trong khi việc tiêu thụ thực phẩm chế biến tối thiểu hoặc thực phẩm siêu chế biến không liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy.
Các tác giả viết: "Mối liên hệ chặt chẽ giữa mức tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến và thực phẩm chế biến tối thiểu mặc dù đã điều chỉnh theo chất lượng chế độ ăn cho thấy chế biến thực phẩm đóng vai trò đặc biệt trong tình trạng táo bón."