Người Mỹ đang ăn nhiều thực phẩm siêu chế biến
Theo một nghiên cứu mới tại Trường Y tế Công cộng Toàn cầu NYU, tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến đã tăng trong hai thập kỷ qua tại hầu hết các độ tuổi trong dân số Hoa Kỳ.
Tác giả chính của nghiên cứu, Filippa Juul cho biết: "Chế độ ăn uống của người dân Hoa Kỳ đã chuyển sang tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến nhiều hơn. Điều này đáng lo ngại, vì ăn nhiều thực phẩm siêu chế biến có liên quan đến nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính cao hơn".
"Việc tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến ngày càng tăng cao trong thế kỷ 21 có thể là nguyên nhân chính dẫn đến đại dịch béo phì."
Các thực phẩm siêu chế biến được sản xuất công nghiệp, ăn liền, bao gồm các chất phụ gia và phần lớn không có thực phẩm nguyên chất.
Các nghiên cứu trước đây của các nhà nghiên cứu tại Trường Y tế Công cộng Toàn cầu NYU đã phát hiện ra rằng việc tiêu thụ nhiều thực phẩm siêu chế biến có liên quan đến bệnh béo phì và bệnh tim.
Trong nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ, Juul và các đồng nghiệp của bà đã phân tích dữ liệu về chế độ ăn uống từ gần 41.000 người lớn tham gia Khảo sát Kiểm tra Dinh dưỡng và Sức khỏe Quốc gia của CDC Hoa Kỳ từ năm 2001 đến năm 2018. Những người tham gia được hỏi đã ăn gì trong 24 giờ, và họ đã sắp xếp các loại thực phẩm được báo cáo này thành bốn loại:
- Thực phẩm chế biến tối thiểu (thực phẩm toàn phần) như rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, thịt và sữa
- Các thành phần ẩm thực đã qua chế biến như dầu ô liu, bơ, đường và muối
- Thực phẩm đã qua chế biến như pho mát, cá đóng hộp và đậu đóng hộp
- Thực phẩm siêu chế biến như bánh pizza đông lạnh, nước ngọt, đồ ăn nhanh, đồ ngọt, đồ ăn nhẹ vị mặn, súp đóng hộp và hầu hết các loại ngũ cốc ăn sáng
Sau đó, các nhà nghiên cứu tính toán phần trăm lượng calo tiêu thụ từ mỗi nhóm thực phẩm.
Mức tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến đã tăng từ 53.5% calo vào đầu giai đoạn được nghiên cứu (2001-2002) lên 57% vào cuối (2017-2018).
Lượng thức ăn chế biến sẵn như bữa tối dùng đồ đông lạnh tăng nhiều nhất, trong khi lượng thức ăn và đồ uống có đường lại giảm. Ngược lại, lượng tiêu thụ thực phẩm toàn phần giảm từ 32.7% xuống còn 27.4%, chủ yếu là do mọi người ăn ít thịt và sữa hơn.
Mọi người gần như thuộc tất cả các nhóm nhân khẩu học, bất kể thu nhập, đều tăng mức tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến cực nhanh, ngoại trừ người trưởng thành gốc Tây Ban Nha. Sinh viên tốt nghiệp đại học cũng ăn ít thực phẩm siêu chế biến.
Đáng chú ý, những người lớn tuổi (từ 60 tuổi trở lên) có mức tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến tăng mạnh nhất: thời gian đầu nhóm tuổi này ăn ít thực phẩm siêu chế biến và ăn thực phẩm nguyên hạt, nhưng lại ăn nhiều thực phẩm siêu chế biến nhất và ít thực phẩm nguyên hạt nhất ở giai đoạn cuối.
Do việc tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến ngày càng tăng ở Mỹ và có nhiều bằng chứng liên quan đến các loại thực phẩm này với các bệnh mãn tính, các nhà nghiên cứu khuyến nghị thực hiện các chính sách để giảm tiêu thụ chúng.
Trong môi trường thực phẩm công nghiệp hiện nay, hầu hết các loại thực phẩm được bán trên thị trường thực tế là công thức công nghiệp khác xa với thực phẩm toàn phần. Tuy nhiên, khoa học dinh dưỡng có xu hướng tập trung vào hàm lượng chất dinh dưỡng của thực phẩm và đã bỏ qua các tác động về sức khỏe.
Hơn nữa, trong khi nghiên cứu này tập trung vào dữ liệu từ trước đại dịch COVID-19, có những dấu hiệu cho thấy đại dịch đã dẫn đến sự gia tăng việc ăn các loại thực phẩm ít dinh dưỡng, có chất bảo quản.
"Trong những ngày đầu của đại dịch, mọi người đã thay đổi hành vi mua hàng, mua sắm ít thường xuyên hơn, và doanh số bán thực phẩm siêu chế biến như mì ống đóng hộp và pho mát, súp đóng hộp và đồ ăn nhẹ đã tăng lên đáng kể. Mọi người có thể cũng đã ăn nhiều đồ đóng gói hơn. Và chúng tôi mong muốn kiểm tra những thay đổi về chế độ ăn uống trong giai đoạn này khi có dữ liệu." bà Juul cho biết thêm.
Theo Science Daily